GÓC NHÌN: Biến Đổi Khí Hậu, Covid-19 Thực Sự Là Những Rủi Ro Có Thể Bảo Hiểm
(Webbaohiem) – Đại dịch virus Corona và biến đổi khí hậu là hai mối đe dọa mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng họ không thể bảo hiểm. Tuy nhiên, theo các luật sư tại hãng luật Paley Rothman (Hoa Kỳ), không có cơ sở nào cho những khẳng định này và phạm vi bảo hiểm nên được xác định bằng cách kiểm tra điều khoản của các hợp đồng bảo hiểm cá nhân, các sự kiện cụ thể và luật điều chỉnh, không nên kết luận vội vàng.
Ngành bảo hiểm cho rằng hai mối đe dọa hiện hữu là biến đổi khí hậu và virus Corona thuộc diện rủi ro không thể bảo hiểm.
Trong một tuyên bố đáng chú ý gần đây, Hiệp hội các Doanh nghiệp Bảo hiểm Anh (ABI) nhấn mạnh: “không có thị trường bảo hiểm nào trên thế giới cung cấp bảo hiểm trên diện rộng cho các đại dịch và nước Anh cũng không phải là ngoại lệ”.
Tương tự, ngành bảo hiểm đang cố gắng để khẳng định rằng, trong mọi trường hợp, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra cũng không thể được bảo hiểm. Đáng chú ý là kết luận này được đưa ra nhưng không hề dựa trên ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm, sự kiện thực tế hoặc thậm chí quá trình đánh giá rủi ro cụ thể.
Về phần mình, ABI đã cố gắng mềm hóa quan điểm của mình bằng cách chèn thêm thuật ngữ “trên diện rộng”. Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, ngành bảo hiểm định nghĩa các công ty năng lượng là nguồn chính xả carbon ra môi trường. Có giả định cho rằng, mục đích của việc làm này là ám chỉ các công ty năng lượng biết rằng họ đang hủy hoại môi trường và do đó, rủi ro là biến cố lường trước được và không thể được bảo hiểm.
Cách tiếp cận của ngành bảo hiểm đối với biến đổi khí hậu và virus Corona nhằm mục tiêu loại khỏi diện rủi ro có thể bảo hiểm đối với những biến cố mà họ cho là quá khó lường trước (ví dụ, virus Corona) hoặc rõ ràng dự đoán trước được (ví dụ, biến đổi khí hậu). Các doanh nghiệp bảo hiểm cố gắng chứng tỏ rằng cả hai rủi ro này đều ở vị thế yếu và không thể được bảo hiểm.
“Quá khó lường trước để bảo hiểm” không thay thế được Điều khoản bảo hiểm
Ngành bảo hiểm cho rằng họ không xây dựng mô hình tính toán để bảo hiểm cho các đại dịch như virus Corona. Tuy nhiên, bản thân virus Corona không tự biến thành đại dịch. Vì vậy, có phải ABI cho rằng những tổn thất liên quan đến virus Corona vẫn có thể được bảo hiểm cho đến khi quy mô lây lan của nó đạt ngưỡng của một đại dịch?
Theo logic đó, chúng ta có thể kết luận rằng làn sóng virus Corona thứ hai* có thể được bảo hiểm nếu không lặp lại kịch bản (trở thành đại dịch) như làn sóng virus Corona đầu tiên này. Nói một cách chính xác là các sự kiện đã khiến quy mô lây lan Corona đạt ngưỡng trở thành đại dịch khiến cho dịch bệnh lần này không thể được bảo hiểm – căn cứ vào quy định tại điều khoản và điều kiện của các hợp đồng bảo hiểm tương ứng.
Do đó, cách giải thích rằng một tổn thất “quá khó lường trước để bảo hiểm” là tùy tiện và không có ý nghĩa.
“Có thể dự đoán trước” cũng là khái niệm không xác đáng
Trong hợp đồng bảo hiểm không có chỗ cho thuật ngữ “có thể dự đoán trước”, tuy nhiên điều này đang đặt ra những ý kiến trái chiều. Hợp đồng bảo hiểm bảo vệ cho những thương tích hoặc thiệt hại ngoài dự kiến hoặc không có ý định từ trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm tìm cách tránh các sự kiện riêng lẻ, tránh đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định về việc bảo hiểm cho các công ty cụ thể nhằm củng cố quan điểm rằng tính có thể dự đoán trước (foreseeability) là sản phẩm của những kỳ vọng khách quan.
Theo ngành bảo hiểm, nếu biết trước điều gì đó sẽ xảy ra, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, thì đều không thể bảo hiểm. Do đó, bằng cách dán nhãn các công ty năng lượng là tác nhân chính xả thải carbon, ngành bảo hiểm tìm cách tự động loại bỏ họ khỏi tổn thất được bảo hiểm vì có liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nhà bảo hiểm tìm cách loại bỏ khỏi phạm vi bảo hiểm bất kỳ tổn thất nào mà họ cho là có thể dự đoán trước cũng như các thiệt hại xảy ra một cách tự nhiên từ hậu quả của tổn thất đó.
Ngược lại, không đến mức phải lo sợ rằng tổn thất có thể xảy ra. Về phần mình, các chủ hợp đồng phải tin rằng tổn thất sẽ xảy ra. Trong khi vấn đề cốt lõi của bảo hiểm là: số đông phòng ngừa rủi ro so với chỉ một số ít xảy ra rủi ro. Cần có sự hiểu biết chính xác và cụ thể về thiệt hại; sẽ khó có thể dự đoán một chuỗi các sự kiện cùng với sự phát sinh của các hoạt động xen ngang có thể gây ra thiệt hại.
Trong một số lĩnh vực của pháp luật, việc xem xét các trường hợp cụ thể sẽ được ưu tiên hơn là áp dụng nguyên tắc “chỉ bảo hiểm cho rủi ro” (mà không bảo hiểm cho sự chắc chắn – ND). Cần đánh giá tính “có thể dự đoán trước” dựa trên các căn cứ chủ quan.
Một chủ đề phổ biến: hành động xen ngang
“Rõ ràng dự đoán trước được” hay “quá khó lường trước” là các khái niệm ở những thái cực đối lập. Tuy nhiên, cả hai thuật ngữ này đều bỏ qua tác động của các hành động xen ngang và các sự kiện riêng lẻ. Sự tồn tại đơn thuần hoặc thậm chí bùng phát của virus Corona không phải là đại dịch để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể khẳng định là không thể bảo hiểm.
Tương tự như vậy, ngành năng lượng không phải là một thực thể đồng nhất: doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng bảo hiểm riêng lẻ với từng công ty năng lượng. Sau đó nói rằng lượng carbon xả ra môi trường xuất phát từ tất cả các công ty được cho là gây ra biến đổi khí hậu, bao gồm cả những tổn thất trong các vụ kiện về biến đổi khí hậu. Điều này làm sai lệch chính nguồn gốc của bảo hiểm và nó không phù hợp với cách ngành bảo hiểm đã đánh giá rủi ro khi cấp đơn cho các công ty năng lượng.
Nhà bảo hiểm hiểu về khách hàng và hoạt động kinh doanh của mình cũng như rủi ro. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ điều chỉnh điều khoản hợp đồng bảo hiểm cho các công ty năng lượng nếu họ muốn loại trừ một số loại rủi ro nhất định. Song thực tế từ các đơn đã cấp cho ngành năng lượng cho thấy, họ không làm như vậy.
Bảo hiểm là gì nếu không phải là ngành kinh doanh rủi ro
Không nên xếp các nguy cơ từ virus Corona và biến đổi khí hậu vào danh sách không thể được bảo hiểm bằng cách cho phép ngành bảo hiểm tuyên bố từ chối toàn bộ các loại rủi ro có liên quan. Thay vào đó, nên áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thông thường, như: loại trừ bảo hiểm, miễn thường, điều chỉnh phí bảo hiểm và sử dụng các điều khoản khác để hạn chế phạm vi bảo hiểm. Hơn ai hết, ngành bảo hiểm hiểu rõ điều đó.
Do đó, việc ngành bảo hiểm phải viện dẫn đến các kết luận không xuất phát từ điều khoản hợp đồng chứng tỏ rằng ngôn ngữ hợp đồng không đủ để giới hạn phạm vi bảo hiểm. Trong bối cảnh virus Corona hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm hiểu rằng họ không có điều khoản loại trừ hoặc hạn chế liên quan đến virus. Điều này có thể giải thích tại sao ABI đưa ra kiểu kết luận có lợi cho mình về việc không có thị trường bảo hiểm nào bảo vệ cho các đại dịch. Nhưng kết luận như vậy không có nghĩa là thực tế cũng sẽ diễn ra như vậy.
Tương tự đối với rủi ro biến đổi khí hậu, ngành bảo hiểm hiện đang tìm cách biến tấu mối quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm và từng khách hàng riêng lẻ của ngành năng lượng trong nhiều thập kỷ qua. Cách duy nhất để làm điều đó là cá nhân hóa các mối quan hệ hợp đồng của họ với từng khách hàng là các công ty ngành năng lượng, sau đó nhóm các công ty này lại với nhau để nói rằng thiệt hại phát sinh từ các vụ kiện khí hậu là không được bảo hiểm.
Như vậy, không có cơ sở nào bảo vệ cho lập luận rằng virus Corona và biến đổi khí hậu là rủi ro không được bảo hiểm. Ngành bảo hiểm chỉ cho thấy họ đang nỗ lực loại trừ bảo hiểm đối với các rủi ro này dựa trên cách thức phân loại rủi ro có lợi cho mình.
Cả virus Corona và biến đổi khí hậu đều thể hiện dưới dạng những rủi ro hay nguy cơ đáp ứng yêu cầu được bảo hiểm hoặc có khả năng được bảo hiểm. Để khẳng định một cách chính xác về phạm vi bảo hiểm, cần thực hiện thông qua việc kiểm tra điều khoản hợp đồng, xem xét các sự kiện cụ thể và luật điều chỉnh; không thể dựa trên các kết luận một cách chung chung.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
Phương Loan (dịch từ Bloomberglaw)
(*) Ghi chú: Theo giáo sư Barun Mathema tại Trường Y tế Công cộng Columbia, Hoa Kỳ: Sự trở lại của dịch Corona (sau khi dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội) có thể do sự lan truyền từ các khu vực khác hoặc lây nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng.
Về tác giả:
Robert Shulman là Trưởng bộ phận thực hành Khôi phục Bảo hiểm tại hãng luật Paley Rothman. Ông đảm nhiệm việc khởi kiện các tranh chấp phức tạp đối với các công ty bảo hiểm để đấu tranh cho quyền lợi bảo hiểm của khách hàng trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến mọi hình thức rủi ro, chẳng hạn như rủi ro phát sinh từ sản phẩm, chứng khoán, giám đốc và người quản lý, năng lượng, xe cơ giới, tổ chức tài chính, thiết bị y tế và sức khỏe…
Cristen Rose là Trưởng bộ phận Luật pháp & Tố tụng tại Paley Rothman. Cô phụ trách việc thụ lý các vụ kiện thương mại và kinh doanh, bao gồm các vụ kiện hàng loạt, hành động tập thể, bảo vệ trách nhiệm sản phẩm, tranh chấp môi trường, tuân thủ và khôi phục bảo hiểm.
Nguồn: https://webbaohiem.net/goc-nhin-bien-doi-khi-hau-covid-19-thuc-su-la-nhung-rui-ro-co-the-bao-hiem.html
Viết bình luận