Thị Trường Bảo Hiểm Việt Nam Đề Kháng Tốt Với Covid-19

Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Phóng viên: Theo ông, dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bảo hiểm Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt: Chúng ta đều nhận thấy, dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như trên thế giới, từ hoạt động du lịch cho đến kinh doanh ẩm thực, từ hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa cho đến nhiều loại hình dịch vụ khác.

Đối với hoạt động bảo hiểm, các nhà phân tích quốc tế cho rằng bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như loại hình bảo hiểm duy trì hoạt động doanh nghiệp, hay bảo hiểm tín dụng trong mua bán hàng hóa…

Còn bảo hiểm nhân thọ, bao gồm bảo hiểm sức khỏe, chắc chắn có bị ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng không thể gọi là nghiêm trọng.

Cụ thể, đối với bảo hiểm sức khỏe, nếu nghiệp vụ bảo hiểm nào có điều khoản loại trừ thì không bị ảnh hưởng, còn những sản phẩm bảo hiểm không có điều khoản loại trừ thì việc chi trả phí bảo hiểm cho các hoạt động điều trị có thể phát sinh. 

Riêng về bảo hiểm nhân thọ, ở nhiều nước, tỷ lệ người bị tử vong do Covid-19 so với tổng dân số vẫn là con số thấp hơn nhiều loại bệnh khác.

Còn ở Việt Nam thì tỷ lệ này còn tốt hơn nhiều. Do vậy, Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến ngành bảo hiểm nhân thọ. Ngành bảo hiểm phi nhân thọ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng tổng thể là không đáng kể.

So với các nước, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam như thế nào?

Tại Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng, những ảnh hưởng của Covid-19 đối với thị trường bảo hiểm là hạn chế và có thể quản lý được. 

Tại Mỹ, một thị trường lớn về bảo hiểm sức khỏe, chi phí điều trị cho người nhiễm bệnh gia tăng.

Theo một số tài liệu, tổng chi phí để điều trị trên toàn quốc được dự báo khoảng 30 tỷ USD.

Dẫu vậy, với chi phí này, các công ty bảo hiểm sức khỏe vẫn không lỗ. Trường hợp tình hình dịch bệnh diễn ra theo kịch bản nghiêm trọng nhất đi nữa thì chi phí có thể lên đến 90 tỷ USD, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải tăng chi phí chi trả cho khách hàng.

Theo kịch bản xấu nhất này thì  các hãng bảo hiểm vẫn chi trả bình thường cho hoạt động bảo hiểm sức khỏe để điều trị Covid-19. 

Ở Malaysia, theo luật tại đây thì tất cả các hoạt động bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm Hồi giáo (Takaful) đều có điều khoản ngoại trừ chi phí nằm viện và điều trị đối với các bệnh truyền nhiễm và cách ly.

Nghĩa là, bệnh Covid-19 sẽ bị loại trừ, nhưng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu thì Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Malaysia (LIAM) và Hiệp hội Takaful Malaysia (MTA) tuyên bố rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và các công ty điều hành Takaful sẽ từ bỏ việc loại trừ trong hợp đồng. Tức là, họ vẫn chi trả chi phí cho người tham gia. 

Ở Singapore, có 12 doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp miễn phí bảo hiểm liên quan đến Covid-19 cho khách hàng từ nằm viện theo ngày, tuần, kể cả tử vong.

Tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng, mức độ ảnh hưởng đối với thị trường bảo hiểm thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

Có ý kiến cho rằng, công ty bảo hiểm có thể dựa vào lý do bất khả kháng để từ chối trách nghiệm. Ông nghĩ sao?

Theo Khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, ngoài tầm kiểm soát của con người, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Cụ thể hơn thì phải có 3 điều kiện sau: một là, xảy ra khách quan, nằm ngoài kiểm soát của con người; hai là, không lường trước được; ba là, không khắc phục được, mặc dù đã cố gắng. 

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không quy định về sự kiện bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Trong luật này có quy định ở Khoản 4, Điều 12 những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong chương về hợp đồng bảo hiểm thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Về mặt pháp lý, nếu căn cứ Bộ luật Dân sự, công ty bảo hiểm có thể không chi trả cho người mua trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng xảy ra. Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng trogn trường họp cụ thể cần có sự xem xét và hán quyết của toà án, chứ doanh nghiệp không có quyền đơn phương từ chối thanh toán hợp đồng.

Môt khía cạnh khác của vấn đề đó là, các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ, thường có tải bảo hiểm qua những tổ chức tái bảo hiểm quốc tế.

Thực tế hiện nay,  các công ty tái bảo hiểm trên giới vẫn chấp nhận chi trả tái bảo hiểm bình thường đối với trường hợp rủi ro xảy ra do dịch Covid-19.

Chúng ta có thể xem Munich Re là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về tái bảo hiểm, bảo hiểm chính và các giải pháp rủi ro liên quan đến bảo hiểm. Họ đã đăng bài trên trang web của họ ngày 20/03/2020, xin được trích và chuyển ngữ như sau: 

“Mặc dù có sự gia tăng toàn cầu về số lượng người nhiễm bệnh và tử vong, chúng tôi hiện không cho rằng sẽ có sự căng thẳng lớn đối với phân khúc bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.

Mặc dù đại dịch nghiêm trọng trong phạm vi toàn cầu là rủi ro tích lũy lớn nhất có thể có trong loại này – đặc biệt là vì dịch bệnh tất nhiên không được loại trừ khỏi bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe – chúng tôi hiện không nghĩ rằng mức độ nghiêm trọng lên tới hàng trăm ngàn tử vong trên toàn thế giới.

Ngay cả trong kịch bản rất khó xảy ra là đại dịch toàn cầu này tương đương với sự kiện 200 năm (tức là thảm họa 200 năm xảy ra một lần), các yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm dự kiến sẽ có phạm vi tương tự như thảm họa tự nhiên cỡ trung bình trong tái bảo hiểm tai nạn-tài sản mà thôi.”

Cho nên, doanh nghiệp bảo hiểm càng không có cơ sở để vin vào lý do bất khả kháng để từ chối chi trả cho người tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Lan/tinnhanhchungkhoan.vn

 

Viết bình luận