CHÂU Á SẼ LÀ THỊ TRƯỜNG INSURTECH“HOT” NHẤT

Nếu tôi thu 1 đô-la cho mỗi lần có người hỏi tôi trong năm nay, rằng: “Này George, khởi nghiệp nào về InsurTech mới nhất và ‘nóng nhất’ tại châu Á?”, thì tôi có thể tiết kiệm đủ tiền để mua phiên bản mới nhất của máy tính xách tay MacBook Pro.

 

Đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên vì trong khi trào lưu đầu tư vào FinTech (công nghệ – tài chính) trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt đỉnh cao vào năm 2016 thì người anh em InsurTech (công nghệ – bảo hiểm) mới đang bước ra sân khấu và bắt đầu dậy sóng trên toàn cầu.

Một khảo sát nhanh do Google Trends thực hiện với từ khóa là “Insurtech tại Singapore” trong vòng 2 năm qua cho thấy mức độ quan tâm tới vấn đề này chỉ tăng vọt kể từ giữa năm 2016.

Tin tức về các khoản đầu tư lớn vào khởi nghiệp InsurTech tại Hoa Kỳ và châu Âu nhanh chóng lan tỏa tới châu Á. Do vậy, Singapore và Hồng Kông – hai trung tâm tài chính và bảo hiểm lớn nhất châu Á – đang chứng kiến làn sóng hứng khởi và quan tâm lớn về InsurTech từ phía các nhà đầu tư. Đồng thời, ở chiều ngược lại cũng xuất hiện những lo lắng từ các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống.

Dưới đây là các lý do tại sao tôi tin tưởng rằng châu Á sẽ trở thành thị trường “nóng” nhất đối với khởi nghiệp về bảo hiểm:

Lý do 1: Khu vực hấp dẫn nhất đối với ngành bảo hiểm và mức độ sẵn sàng đầu tư cao

Châu Á là nơi có độ hấp dẫn rất cao đối với ngành bảo hiểm, xuất phát từ quy mô và tốc độ phát triển của tầng lớp trung lưu. Với 4,4 tỷ người, châu Á là khu vực đông dân nhất trên thế giới (sau đó là châu Phi với 1,2 tỷ người, châu Âu với 738 triệu người, Mỹ Latinh với 641 triệu và cuối cùng là Bắc Mỹ với khoảng 360 triệu người). Đến năm 2030, tầng lớp trung lưu tại châu Á sẽ chiếm tới 64% toàn cầu, cao gấp rưỡi so với tỷ lệ 40% hiện nay (theo thống kê của Brookings Institution).

Nhận thấy cơ hội lớn ở đây, các công ty bảo hiểm toàn cầu đã đầu tư rất mạnh vào châu Á, đặc biệt kể từ sau khi Trung Quốc, Ấn độ và Nam Á đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đầu những năm 2000.

Minh chứng cho điều này có thể kể đến khoản tiền 1,2 tỷ USD mà Manulife trả cho Ngân hàng DBS để có quyền phân phối sản phẩm thông qua các chi nhánh của ngân hàng này tại Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Indonesia. Tập đoàn AIA trả 800 triệu USD cho Citibank châu Á và Prudential trả 1,25 tỷ USD cho ngân hàng Standard Chartered.

Mặc dù làn sóng InsurTech bắt nguồn từ Hoa Kỳ hay châu Âu song châu Á mới là nơi chứng kiến sự bùng nổ do nguồn vốn đầu tư dồi dào và dân số đông.

Lý do 2: Mô hình phân phối bảo hiểm truyền thống hoạt động không tốt tại châu Á

Một bộ phận lớn người tiêu dùng và doanh nghiệp tại châu Á chưa được bảo hiểm, không đủ khả năng chi trả cho bảo hiểm tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bộ phận dân cư này có mức độ phân tán cao về mặt địa lý.

Thị trường này thực sự rất thách thức cho ngành bảo hiểm trong nỗ lực nâng cao tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm nếu chỉ thông qua kênh phân phối truyền thống – vốn chủ yếu dựa vào các trung gian phân phối như đại lý, chi nhánh ngân hàng hoặc các trung tâm dịch vụ khách hàng marketing trực tiếp. Thêm vào đó, các kênh phân phối này khá tốn kém, khó có thể tăng nhanh về quy mô và dễ có xu hướng “bán nhầm” (mis-selling) do xung đột về lợi ích – đặc điểm cố hữu của hoạt động phân phối qua trung gian.

 

Trong số các thị trường đứng đầu về InsurTech tại châu Á, Singapore đang tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng về bảo hiểm nhằm nâng cao hơn nữa vị thế là trung tâm dịch vụ tài chính trong khu vực

Các dự án khởi nghiệp về InsurTech đang giải quyết các vấn đề của kênh phân phối bảo hiểm truyền thống bằng cách dụng các công nghệ số tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả và giảm dần sự lệ thuộc vào kênh phân phối truyền thống.

Châu Á sẽ là nơi cảm nhận rõ rệt nhất tác động của những đổi mới này, đặc biệt là khi một bộ phận lớn dân chúng từ trước đến nay “ngoài vùng phủ sóng” của bảo hiểm, giờ đây bất ngờ được tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế riêng biệt, phù hợp với nhu cầu và những mối lo lắng của mình.

Lý do 3: Sự tăng nhanh mức độ xâm nhập của điện thoại thông minh và dữ liệu di động

Năm 2015, có 62% dân số châu Á-Thái Bình Dương có thuê bao di động. Dự kiến đến năm 2020, số thuê bao mới sẽ tăng lên 600 triệu (Nguồn: Nghiên cứu của GSM 2016)

Khả năng kết nối và giao dịch trực tuyến là yếu tố then chốt. Khách hàng tại các nước lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương (như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Australia) đã chi tiêu khoảng 594 tỷ USD cho các giao dịch mua sắm online vào năm 2015.

Một thực tế khó tin hơn là cả Ấn Độ và Trung Quốc đều được dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng mua sắm trực tuyến hàng năm tương ứng 53% và 28% trong giai đoạn 2014-2017 (Nguồn: Báo cáo của PayPal và Ipsos).

Sự gia tăng nhanh chóng khả năng kết nối và tiến nhanh vào cộng đồng trực tuyến đang là động lực quan trọng, gỡ bỏ các rào cản để giúp châu Á có thể trở thành thị trường dẫn đầu về InsurTech.

Để xác nhận lại những đánh giá của mình, gần đây tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo bảo hiểm và tái bảo hiểm tại Singapore và Hồng Kông nhằm tìm hiểu những thay đổi đáng kể trong tư duy của họ về xu hướng khởi nghiệp bảo hiểm.

Hai năm về trước, startup vẫn còn là khái niệm xa lạ. Hầu hết các công ty đều cho rằng hàng rào quy định pháp lý khắt khe, yêu cầu cao về vốn và những mối quan ngại của khách hàng sẽ khiến ngành bảo hiểm hầu như không thể tiếp cận được với startup.

May thay, các nhà lãnh đạo bảo hiểm đã bắt đầu nhận ra rằng ngành bảo hiểm sẽ sớm đối mặt với “cơn bão” khởi nghiệp InsurTech sắp đổ bộ. Điều này sẽ làm thay đổi tình trạng hiện tại thông qua việc gỡ bỏ những rào cản trong chuỗi giá trị.

Sau những nỗ lực bất thành nhằm thúc đẩy sáng tạo từ nội bộ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo bảo hiểm giờ đây đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sẵn sàng làm việc với các khởi nghiệp InsurTech.

Khi kết hợp giữa tư duy đổi mới của giới lãnh đạo bảo hiểm với các lý do tôi đã liệt kê trên đây, bạn sẽ thấy rằng không còn nghi ngờ gì nữa, châu Á sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu.

Nguồn: theo George Kesselman (Forbes.com)

Viết bình luận