Bảo hiểm điện gió ở châu Á: nhu cầu và thách thức

Một số chính phủ khu vực châu Á đang khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của năng lượng gió ngoài khơi nhằm nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng có thể không đủ năng lực bảo hiểm truyền thống để gánh chịu quá nhiều rủi ro thảm họa tự nhiên.

Bảo hiểm điện gió Châu Á

Nhu cầu bảo hiểm trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ tăng trưởng nhanh. Trung Quốc đang dẫn đầu sau khi thực hiện các biện pháp nhằm hạ nhiệt sự tăng trưởng năng lượng mặt trời vào năm ngoái. Trong năm 2018, chính phủ nước này đã phê duyệt việc xây dựng mới 13 trang trại điện gió ngoài khơi, chiếm 11,4 tỷ USD và tương đương gần một nửa tổng giá trị đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đi đúng hướng để phát triển các nhà máy điện mặt trời với công suất 5GW vào năm 2020.

Theo ông David Hostert, Trưởng phòng Phân tích điện gió tại công ty nghiên cứu BloombergNEF: “Cán cân trong hoạt động điện gió ngoài khơi đang thay đổi. Các quốc gia như Vương quốc Anh và Đức đã đi tiên phong trong ngành này và sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường lớn nhất”.

Đài Loan cũng đang đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Đảo quốc này đã đầu tư vào các dự án với tổng công suất 5,5GW – sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2020 đến năm 2025 với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở ngoài khơi tỉnh Changhua.

Trong khi đó, Nhật Bản đã ban hành một đạo luật mới trong năm nay để thúc đẩy đầu tư điện gió ngoài khơi nhằm thay thế một phần cho điện hạt nhân, vốn không được ủng hộ kể từ sau vụ thảm họa ở Fukushima năm 2011.

Tuy nhiên, trong khi năng lượng điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được thử nghiệm ở châu Âu, thì những thách thức ở châu Á lại rất khác.
Ông Andre Martin, Trưởng phòng Giải pháp rủi ro Sáng tạo khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Swiss Re Corporate Solutions, cho biết: “Cho đến nay, ngành bảo hiểm vẫn còn rất ít kinh nghiệm về khả năng phục hồi sau bão của các tuabin gió và hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào đối với các tuabin ngoài khơi.

“Do phần lớn các nhà máy điện gió ngoài khơi hiện đang ở vùng biển châu Âu, ít bị ảnh hưởng bởi các cơn bão lớn nêncác bài học kinh nghiệm rút ra được là khá hạn chế”.

Bảo hiểm điện gió châu á 1

Năm 2018, các cơn bão Jebi và Cimarron đã làm đổ một số tuabin gió ở Nhật Bản. Còn siêu bão năm 2013 và 2015 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các tuabin ở Trung Quốc và Đài Loan.

Mặc dù những cơn bão cực đoan như vậy không ảnh hưởng đến vùng biển châu Âu song ít nhất cũng có một số hiểu biết nhất định về những rủi ro do bão gây ra. 
Tuy nhiên, động đất lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tua bin ở Nhật Bản và Đài Loan rất dễ gặp phải rủi ro động đất, nhưng với châu Âu thì có rất ít kinh nghiệm về khả năng phục hồi của các tuabin sau động đất do khu vực này chưa phải đối đầu với rủi ro đó.

Theo ông Martin, hầu hết các dự án điện gió ngoài khơi ở châu Á đều dễ bị tổn thương trước một trong hai rủi ro kể trên – thậm chí nhiều dự án phải đối mặt với cả hai –nên cần quản lý rủi ro một cách cẩn thận. Thêm vào đó, cho dù ngành bảo hiểm phát triển thì vẫn không chắc chắn rằng các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong khu vực cókhẩu vị rủi ro phù hợp để cung cấp bảo hiểm ở mức độ thỏa đáng.

“Nếu bạn nhìn vào tốc độ phát triển của ngành điện gió ngoài khơi tại Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản, thì sẽ xuất hiện một câu hỏi xung quanh việc các sản phẩm bảo hiểm thông thường có đủ để đối phó với những nguy cơ rủi ro này hay không”, ông Martin cảnh báo.

“Với tình trạng giá trị tài sản cao của các trang trại gióphải đối mặt với những thảm họa thiên tai như lốc xoáy nhiệt đới và động đất, thị trường bảo hiểm truyền thống sẽ phải vật lộn để triển khai bảo hiểm với quy mô lớn và chấp nhận rủi ro”.

Bảo hiểm điện gió châu á 2

Trước thực trạng đó, chuyển giao rủi ro thay thế thông qua các giải pháp bảo hiểm tham số có thể là một lựa chọn phù hợp để thu hẹp khoảng cách. Các yếu tố kích hoạt tham số được xác định trước tạo ra các khoản thanh toán nhanh rất phù hợp với các nhà đầu tư vào chứng khoán liên kết bảo hiểm – nhiều người trong số họ không phải là chuyên gia bảo hiểm và không thích bị chôn vốn trong quá trình xử lý bồi thường kéo dài.

Các sản phẩm tham số cũng có thể bảo vệ các nhà phát triển và nhà đầu tư dự án trong quá trình xây lắp trang trại điện gió, khi thời tiết xấu kéo theo tình trạng vượt chi phí và chậm tiến độ.

Chắc chắn rằng, việc đáp ứng những thách thức của các mục tiêu năng lượng gió ngoài khơi đầy tham vọng của Châu Á sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng thành công của các dự án gió Châu Âu đang cho thấy tiềm năng là rất rõ ràngg. Vấn đề mấu chốt ở đây là phải tìm cho được các giải pháp phù hợp cho môi trường đặc thù của Châu Á.

Huyền My (chuyển ngữ).

Theo webbaohiem.net

Viết bình luận