Trục Lợi Bảo Hiểm Bị Xử Lý Như Thế Nào?

Hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Dư luận đang quan tâm đến vụ án giết người đốt xác nhằm trục lợi bảo hiểm xảy ra tại tỉnh Đắk Nông do bị can Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giết cháu vợ, tạo hiện trường giả để gia đình được hưởng bảo hiểm 18 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra, hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào?

Khoản 1, Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, quy định: Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo quy định tại Khoản 10, Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, thì sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Do đó, trường hợp cố tình đốt xe, đốt xác người mang tính chủ quan không phải là sự kiện khách quan và sẽ không thuộc đối tượng của kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Điều 39, luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 cũng quy định 3 trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả bảo hiểm, bao gồm: Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp đã lợi dụng việc mua bảo hiểm rồi trục lợi, nên pháp luật đã có những quy định để xử lý những trường hợp này. Cụ thể, hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Nguồn: https://laodong.vn/phap-luat/truc-loi-bao-hiem-bi-xu-ly-the-nao-804978.ldo
 

Viết bình luận