Thị Trường Bảo Hiểm Phi Nhân Thọ Việt Nam Phát Triển Ở Mức Ổn Định

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best trong báo cáo về Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam 2020 đã đưa ra đánh giá triển vọng ở mức “Ổn định” cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. 

Các lý do chính bao gồm: Mức vốn hóa theo rủi ro tương đối cao đi kèm với danh mục đầu tư thận trọng; Cơ cấu dân số và nhu cầu bảo hiểm thuận lợi cho triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của các sản phẩm phi nhân thọ bán lẻ; Tác động ăn theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể có lợi cho Việt Nam khi các công ty đa quốc gia tìm các thị trường mới ngoài Trung quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. 6 tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hy vọng sẽ lấy lại được đà tăng trưởng, và sẽ về đích với tốc độ tăng trưởng khoảng 10- 15%.

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào 4 nghiệp vụ có tiềm năng tốt. Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu giảm 50% đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc.

Nghị định này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy doanh thu bảo hiểm xe cơ giới vươn lên khỏi mức tăng trưởng âm như hiện nay. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, người dân lại tiếp tục đối mặt nỗi lo mới với dịch sốt xuất huyết và bệnh bạch hầu. Điều này khiến người dân quan tâm và ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm hơn so với trước đây, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nhóm bảo hiểm con người.

 

Ngoài ra, việc kiểm soát tốt Covid-19 đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như dòng tiền được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ tạo cơ hội tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp và các dịch vụ công, mở ra cơ hội cho nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật...

Trong khi đó, AM Best cũng dự báo thị trường phi nhân thọ Việt Nam sẽ duy trì vốn ổn định trong tình hình kinh tế hiện nay, song về trung và dài hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cần tăng vốn cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.

Nhiều tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn sở hữu cổ phần chiến lược trong các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc góp thêm vốn hoặc mua lại cổ phần hiện hữu. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào kế hoạch thoái vốn của chính phủ Việt Nam, thường hay bị chậm trễ do các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, theo AM Best, xu hướng ổn định trên cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tình trạng cạnh tranh gay gắt cộng với xu hướng gia tăng tổn thất của bảo hiểm tài sản gây áp lực lớn đối với lợi nhuận; Sự giảm tốc của kinh tế trong nước và thế giới có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của nhiều nghiệp vụ; Lãi suất giảm và sự biến động của thị trường vốn có thể ảnh hưởng tới thu nhập đầu tư…

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành bảo hiểm chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên vì năm 2020 là kế thừa của năm 2019 nên xu thế phát triển chung của thị trường vẫn sẽ là tăng trưởng ở mức 2 con số.

 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất hiện nay chính là thị trường bảo hiểm vẫn tồn tại hành vi cạnh tranh phi kỹ thuật vì một số doanh nghiệp muốn gia tăng thị phần trước rồi mới tối ưu hóa lợi nhuận, điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh trên thị trường sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng căng thẳng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của thị trường bảo hiểm vẫn chưa theo kịp được với tốc độ phát triển của thị trường.

Dù đến hết năm 2019, có rất nhiều quy định giúp minh bạch hóa như hình sự hóa hành vi trục lợi bảo hiểm, áp dụng luật an ninh mạng để răn đe những hành vi phát tán thông tin không đúng sự thật về các doanh nghiệp bảo hiểm trên mạng xã hội… Thế nhưng, thị trường vẫn còn thiếu những quy định về ấn chỉ điện tử cho các sản phẩm bắt buộc, hay việc áp trần hoa hồng bảo hiểm vẫn đang gây tranh cãi rất nhiều.

“Đây vẫn là những yếu tố gây rủi ro kiềm hãm sự phát triển lành mạnh của thị trường”, vị đại diện trên nhìn nhận.

Theo Ngọc Lan - Tin nhanh Chứng Khoán

 

 

Viết bình luận