ĐỘT PHÁ INSURTECH TẠI ĐÔNG NAM Á

Ở Đông Nam Á, công nghệ bảo hiểm (insurtech) đã nổi lên mạnh mẽ từ năm 2016. Nhưng bản chất đột phá của insurtech khác với fintech, đặc biệt trong môi trường tài chính Đông Nam Á. Điều này buộc các nhà khởi nghiệp cũng như công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm phải có cách nhìn đúng đắn.

1.Cường độ đột phá của insurtech

Trên thực tế, cường độ đột phá của công nghệ tài chính (fintech) mạnh hơn, nhanh hơn, và tách ly ra khỏi hệ thống chi phối của ngân hàng ngay từ những ngày đầu. Ngày nay, người ta thấy xuất hiện tràn lan các giải pháp công nghệ nhắm đến những mục tiêu khác nhau, từ giao dịch thanh toán đến cho vay, phổ biến nhất hiện nay là những giải pháp thanh toán di động. Những thứ “Pay” như AliPay mỗi năm lấy đi hàng trăm tỉ đô la lợi nhuận dịch vụ của ngành ngân hàng. Nhưng với công nghệ bảo hiểm thì khác vì nó nhắm đến việc làm tốt hơn ngành bảo hiểm truyền thống bằng các giải pháp công nghệ. Một khi còn là công ty khởi nghiệp, nó là đối thủ cạnh tranh của các công ty bảo hiểm hiện hữu. Nhưng khi được chấp nhận bởi hệ thống bảo hiểm dưới các hình thức, từ mua lại, sáp nhập đến hợp tác, nó trở thành một phần của hệ thống bảo hiểm mới. Và đây chính là mối quan tâm của các công ty bảo hiểm nhằm chọn cho mình giải pháp công nghệ thích hợp mang tính cạnh tranh cao.

Chính vì sự khác biệt này mà người ta phân vân không biết insurtech tại Đông Nam Á đang nổi lên như một trào lưu, hay là một xu hướng thực tế. Văn hóa khởi nghiệp ngày nay rất linh hoạt. Một công ty khởi nghiệp sẽ trở thành đối thủ với các công ty hay tập đoàn có trước, nhưng một công ty khởi nghiệp cũng có thể là một thử nghiệm giải pháp và khi giải pháp thành công thì người sáng lập ra nó chấp nhận sự sáp nhập như nhánh ghép vào một công ty có sẵn để trở thành cành cây lớn trên thân cổ thụ. Cũng không còn sớm và cũng chẳng muộn để có những sự nhận định khách quan về sự nổi lên của công nghệ bảo hiểm nơi các nước Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây, bởi như gió biến thành bão, làn sóng công nghệ luôn diễn ra rất nhanh. Riêng tại Việt Nam người ta đã biết đến những cái tên như Timo hỗ trợ bởi Sun Life, Generali Việt Nam thuộc Generali NPS, hay FWD hợp tác với Tiki, hoặc iMO của tập đoàn bảo hiểm AIA, và các ứng dụng Probot, Chatbot, Matchbook của công ty bảo hiểm Prudential vốn đã có mặt rất sớm tại Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định rằng, theo sau Mỹ và các nước khác, châu Á ngày nay đang trở thành điểm nóng về insurtech bởi thị trường nơi đây hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Ba trong số những nguyên nhân quan trọng nhất là quy mô đáng kể của tầng lớp trung lưu đang lên tại châu Á, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao và sự suy giảm hiệu quả của các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống. Xu hướng công nghệ được thúc đẩy bởi mức độ tăng trưởng, và châu Á lại là nơi tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua. Một chuyên gia nhận định rằng châu Á hiện đã là thị trường lớn thứ ba toàn cầu và được dự báo sẽ dẫn đầu vào năm 2025. Các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhìn vào châu Á để nắm bắt xu hướng phát triển và đổi mới. Ngành bảo hiểm cũng có những kỳ vọng tương tự. Trang tin Asean Today còn cho biết Đông Nam Á đang là điểm đầu tư công nghệ bảo hiểm lớn nhất châu Á: Trong khi hai nước đông dân Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt chỉ chiếm 20,59% và 44,12% lượng đầu tư thì Singapore đã chiếm 15,69%, ngay cả Malaysia cũng chiếm 3,92% tổng vốn đầu tư insurtech tại châu lục.

2. Đặc trưng ngành bảo hiểm tại châu Á

Ở mức độ quan sát, người ta có thể thấy rằng ngành bảo hiểm châu Á và đặc biệt Đông Nam Á, vốn từ lâu nằm dưới sự kiểm soát của các chính phủ đã trở nên trì trệ, không theo kịp nhu cầu và có khi bị giảm hiệu năng. Với công nghệ, hiện tượng công ty khởi nghiệp xuất hiện như những giải pháp khi mà các công ty bảo hiểm nhà nước không đủ sức tự làm nên cuộc cách mạng công nghệ. Trang webbaohiem.net dẫn nhận định của S&P (Standard & Poor) rằng: “Chúng tôi không cho rằng insurtech có khả năng thay thế hoàn toàn các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống vì ngành bảo hiểm vốn chịu sự quản lý chặt chẽ từ phía nhà nước và đòi hỏi số vốn cao, cũng như các rào cản gia nhập”. S&P viết tiếp: “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp bảo hiểm quy mô lớn đang chủ động đầu tư thành lập các liên doanh insurtech nhằm tranh thủ những lợi thế về dữ liệu độc quyền thay vì phải thuê ngoài từ các công ty đơn thuần về công nghệ”. Dù muốn dù không, insurtech phải được nhìn nhận là phương cách đem đến các giải pháp sáng tạo cho các công ty bảo hiểm đồng thời cũng có thể làm sụp đổ ngành bảo hiểm truyền thống.

Hai động lực tạo nên làn sóng insurtech hay công nghệ bảo hiểm là, trước hết ngành bảo hiểm đã chín muồi cho việc đưa vào đó những sáng tạo và đột phá, và thứ hai các công ty bảo hiểm đã đến lúc phải đưa ra những chính sách thiên về khách hàng, về bảo hiểm mang tính xã hội, và về việc cần thiết phải đưa dữ liệu lớn vào các hoạt động của mình. Bảo hiểm là một ngành rất xưa, một trong những ngành kinh doanh tài chính cổ nhất, và vì thế cũng trở thành một ngành trì trệ nhất đối với nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy việc đưa công nghệ bảo hiểm vào ngành truyền thống này rất có ý nghĩa. Với những giải pháp công nghệ thể hiện trên những công ty khởi nghiệp, người ta có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng, định vị được những nhu cầu của họ, và phục vụ họ vào mọi lúc mọi nơi theo cả những thời gian thực, và hơn hết, nó làm giảm thiểu chi phí điều hành ngành kỹ nghệ cồng kềnh này đến mức cao nhất.

Một thực tế là các công ty bảo hiểm càng lớn càng phải dựa vào các công ty trung gian hay đội ngũ những người bán bảo hiểm, và việc chăm sóc khách hàng thường trải qua nhiều công đoạn nhiêu khê. Tại sao khách hàng không thể đóng bảo hiểm qua điện thoại, tại sao họ không được thanh toán đúng lúc? Những vấn đề này đã được giải quyết ở Mỹ hay châu Âu, nhưng với châu Á và Đông Nam Á nơi các công ty bảo hiểm nhà nước ngự trị thì khác. Chấp nhận công nghệ bảo hiểm, trong trường hợp này là chấp nhận giá trị trung tâm của khách hàng, của những tổ chức, công ty, cá nhân được bảo hiểm. Và từ đây người ta thấy nổi lên năm xu hướng công nghệ bảo hiểm tại Đông Nam Á. Một là áp dụng công nghệ để làm giảm phí bảo hiểm cho khách hàng. Hai, dùng các giải pháp điện thoại hay di động thay cho số lượng nhân viên khổng lồ trong hay ngoài biên chế. Ba, tập hợp thông tin cho phép khách hàng chọn lựa công ty bảo hiểm thích hợp. Bốn, tăng cường hợp tác giữa công ty khởi nghiệp tạo nên giải pháp và công ty bảo hiểm. Năm, sử dụng dữ liệu lớn tốt hơn. Khuynh hướng thứ 5 rất quan trọng, và công ty bảo hiểm thường hợp tác với một startup để thu thập khai thác dữ liệu hơn là mua lại dữ liệu lớn từ các tập đoàn công nghệ.

3. Insurtech vẽ lại bức tranh bảo hiểm Đông Nam Á

Chiếm 43% dân số thế giới, ngành bảo hiểm châu Á chỉ chiếm 13% lượng khách hàng toàn cầu theo báo cáo “Shifting Asia” năm 2017 của UBS, và Đông Nam Á nơi có gần 700 triệu người cũng chỉ chiếm 3,8% lượng khách này theo báo cáo “Asia Insurance Market Report 2016” thực hiện bởi công ty tư vấn Willis Towers Watson. Điều này có nghĩa là insurtech có rộng đất để phát triển ở châu Á và đặc biệt Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mức độ thâm nhập bảo hiểm thấp bởi nhiều lý do, và insurtech được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn cảnh này với giải pháp di động, với thông tin dữ liệu lớn, và với nền tảng công nghệ thân thiện hơn là những cơ sở bảo hiểm đồ sộ. Winnie Chua, người sáng lập Policy Street ở Malaysia, ước tính có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm qua trung gian những người chào bán, và trong trường hợp những nơi mà bảo hiểm nhà nước đang giữa vai trò độc tôn thì con đường đi tới sẽ là sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm với các công ty khởi nghiệp về công nghệ bảo hiểm. Tại Malaysia, 28% số công ty bảo hiểm đã triển khai hệ thống hợp tác này từ năm 2016.

Singapore, một trung tâm công nghệ mới nổi ở Đông Nam Á nay đang trở thành một cái nôi của công nghệ bảo hiểm. Đăng trên trang fintechnews.sg, George Kesselman, người vừa khai trương công ty công nghệ bảo hiểm, nói rằng Singapore là nơi tốt nhất để triển khai những sáng kiến bảo hiểm. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã nhanh chóng công nhận công nghệ mới này và hợp tác với chính phủ Anh cùng nhiều đại diện các nước để mở ra nền công nghệ bảo hiểm, và vào đầu năm nay trung tâm công ty công nghệ Firemark Labs đã ra đời nhằm hỗ trợ các startup. Trước đó, insurtech DirectAsia cũng đã ra đời tại đây, sau bốn năm hoạt động đã sáp nhập vào tập đoàn bảo hiểm Hiscox Insurance. GoBear và Insurance Market là hai trang thông tin công nghệ bảo hiểm cũng đặt trụ sở tại đây, phục vụ cho cả Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Policy Pal triển khai hoạt động từ tháng 3-2017 là công ty công nghệ bảo hiểm đầu tiên được MAS công nhận kể từ tháng 9-2017. Ở Malaysia, công ty công nghệ bảo hiểm Jirnexu cũng đã ra đời và đang cung cấp bảo hiễm cho khách hàng thương mại điện tử. Ở Thái Lan, công ty khởi nghiệp Claim Di nhắm đến giải pháp rút ngắn quy trình bảo hiểm cho ngành xe, trong khi AgentMate thuộc Appman Co. cung cấp loại hình bảo hiểm di động.

Một làn sóng công nghệ bảo hiểm đang nổi lên ở Đông Nam Á, ngay cả tại những nước mà ngành bảo hiểm truyền thống vẫn chưa phát triển mạnh như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Chính trong những môi trường đặc thù này mà các công nghệ và sáng kiến dễ nảy nở nhằm bù đắp những nhu cầu mà ngành bảo hiểm nhà nước không kham nổi. Nhu cầu bảo hiểm ngày nay rất đa dạng, từ bảo hiểm xã hội, nhân thọ, y tế đến ngành nghề, và nhất là nhu cầu bảo hiểm cho không gian mạng nơi mà các hoạt động kinh tế mỗi ngày một nhiều. ‘Shifting Asia’ là một tiêu đề thực sự ý nghĩa với các nhà đầu tư. Sun Life thành lập Sun Life Việt Nam và hợp tác với Timo để bán các gói bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. FWD hợp tác với Tiki để giới thiệu thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trực tuyến. AIA đưa ra giải pháp số hóa với iMO… Trong tương lai gần, người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam sẽ có nhiều chọn lựa, và bức tranh bảo hiểm Việt Nam cũng sẽ trở nên sôi động.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/buoc-dot-pha-cho-nganh-bao-hiem-tai-dong-nam-a-72496.html 

Viết bình luận