CÔNG NGHỆ LÀM THAY ĐỔI BẢO HIỂM

Bằng việc đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng, các công ty bảo hiểm kỳ vọng sẽ ngày càng chinh phục được niềm tin của nhiều khách hàng hơn, góp phần giúp thị trường bảo hiểm tăng trưởng và phát triển ổn định.

Nắm bắt xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết công ty bảo hiểm trên thị trường đã đầu tư, nâng cấp hệ thống, áp dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu tối đa khâu thủ tục giấy tờ, tăng cường kết nối với khách hàng…

Công nghệ làm thay đổi bảo hiểm

Tháng 7/2018, Manulife Việt Nam đã chính thức nâng vốn điều lệ lên 9.695 tỷ đồng để đẩy mạnh phát triển các dự án số hóa phục vụ cho các dịch vụ khách hàng và đội ngũ tư vấn tài chính. Mới đây, hãng bảo hiểm này đã cho ra mắt EasyClaims – trang web hỗ trợ khách hàng trong việc hoàn tất và nộp chứng từ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Manulife Việt Nam cho biết, khách hàng có thể dễ dàng truy cập và sử dụng EasyClaims khi không cần mật khẩu đăng nhập, điền đơn hay nộp chứng từ gốc, không qua nhiều thủ tục phức tạp (tất nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, Manulife Việt Nam có thể yêu cầu khách hàng nộp thêm chứng từ gốc – PV)…

“Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, dự án EasyClaims sẽ là nền tảng quan trọng để Manulife Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án tự động hóa khác một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nhằm mang lại trải nghiệm ưu việt cho khách hàng”, ông Kim Fleming, tân Tổng giám đốc Manulife Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, khi giới thiệu về tiện ích của GenClaims – ứng dụng thực hiện yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, bà Tina Nguyễn – Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ rằng, việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của Generali Việt Nam vì có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của khách hàng.

“Với Generali Việt Nam, ứng dụng GenClaims không chỉ là vấn đề cải tiến công nghệ, mà còn là việc thay đổi cách suy nghĩ, cách làm, với phương châm đơn giản và hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm”, bà Tina Nguyễn nói.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhằm đơn giản hóa quy trình giải quyết bồi thường, Prudential Việt Nam đang phát triển ứng dụng Zalo như là một kênh tiếp nhận yêu cầu bồi thường của khách hàng.

Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, khách hàng chỉ cần yêu cầu chi trả bồi thường và nộp chứng từ qua Zalo, sau đó thông tin về quá trình giải quyết, cũng như tình trạng giải quyết thực tế sẽ được cập nhật qua ứng dụng này để khách hàng nắm rõ…

Đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào các ngành nghề trong thời đại 4.0, ông Khamsaya Soukhavong – Tổng giám đốc Mirae Asset Prévoir (MAP Life) cho rằng, ngày nay, dữ liệu người tiêu dùng là chìa khóa cho bất kỳ chiến lược kinh doanh nào. MAP Life cũng sẽ tận dụng điều này để gia tăng hiệu quả của các phương pháp tiếp cận khách hàng tại Việt Nam.

“Phân khúc dân số trẻ của Việt Nam hiện tại được dự báo sẽ trở thành tầng lớp giàu có trong tương lai, với sự gia tăng đáng kể về thu nhập, nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ. Nhìn chung, các mối quan tâm chính của khách hàng Việt Nam xoay quanh vấn đề sức khỏe, vị trí và các mối quan hệ xã hội, ổn định tài chính, tăng trưởng tài sản và phát triển bản thân. Do vậy, danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của MAP Life cũng phải đáp ứng các nhu cầu này”, Tổng giám đốc MAP Life nhìn nhận.

Giám đốc điều hành một trong những công ty dịch vụ truyền thông (agency) nước ngoài nhận định rằng, thị trường Việt Nam hiện đã thay đổi và phát triển hơn rất nhiều, đặc biệt là công nghệ thông tin, các nền tảng kỹ thuật số có những tiến bộ vượt bậc…

“Công nghệ đang thay đổi ngành bảo hiểm Việt Nam. Sự thay đổi này không chỉ đến từ doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn từ người tiêu dùng”, vị giám đốc này nhận xét.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên đề “Bảo hiểm nhân thọ trong cách mạng công nghiệp 4.0: Xu thế – cơ hội – thách thức” được tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng tới các sản phẩm đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa, phù hợp với hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như nhu cầu của khách hàng.

“Về dịch vụ bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung cải thiện cách tiếp cận khách hàng thông qua việc nâng cấp hệ thống, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số… Về kênh phân phối, cần phát triển bán bảo hiểm trực tuyến trên website của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các mô hình kinh doanh mới khác…”, vị đại diện này nói.

Theo Gia Linh (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Viết bình luận