BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI (CSLI) TẠI NHẬT BẢN

Tại Nhật bản, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng xe ô tô tham gia giao thông được thể hiện rõ nét sau chiến tranh thế giới lần thứ II vài năm. Vào năm 1948, số lượng xe ô tô của Nhật là 250.450 chiếc, cao hơn một chút so với thời kỳ trước chiến tranh. Tuy nhiên, con số này đã vượt quá 10 triệu xe vào năm 1967.

 

 

Song song với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng xe ô tô, số vụ tai nạn cũng gia tăng không ngừng, tạo nên một vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Số lượng người bị chết hoặc bị thương trong các vụ tai nạn tăng từ 21.457 vào năm 1948 đến 78.764 vào năm 1954, gấp hơn 3 lần trong vòng 6 năm. Số vụ tai nạn tiếp tục tăng cao, số lượng người tử vong vào năm 1970 đạt đến con số kỷ lục là 16.765 người.

Từ khi Luật an toàn giao thông được ban hành vào năm 1970, nhiều biện pháp an toàn giao thông được các tổ chức nhà nước và cá nhân tiến hành theo Kế hoạch an toàn giao thông được sửa đổi 5 năm một lần. Sau năm 1992 là năm đứng thứ hai trong bảng xếp hạng có số người chết cao nhất là 11.452 người, số lượng người chết trong các vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể và xuống dưới 5000 người năm 2009.

Trước khi Luật đảm bảo trách nhiệm chủ xe cơ giới được ban hành, trách nhiệm về lỗi liên quan đến tai nạn giao thông chủ yếu được quy định trong Điều 709 và các điều khoản khác của Luật dân sự. Theo các quy định này, nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông có thể đòi bồi thường thiệt hại chỉ khi họ chứng minh được hành vi cố ý của người gây ra tai nạn cho mình. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng chứng minh được điều này. Thêm vào đó, sự thiếu nguồn lực tài chính của bên thứ ba làm cho các nạn nhân khó có thể được bồi thường thỏa đáng.

Để đảm bảo tài chính cho nạn nhân của các vụ tai nạn, Luật đảm bảo trách nhiệm chủ xe cơ giới được ban hành vào năm 1955, có hiệu lực vào tháng 2 năm 1956, trong đó quy định tất cả các chủ xe ô tô phải có trách nhiệm với các vụ tai nạn gây ra chết hoặc thương tật đối với bên thứ ba. Luật này cũng bắt buộc người sử dụng ô tô mua bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo bồi thường khi xảy ra tai nạn.

Theo luật bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, các xe ô tô không được phép hoạt động nếu không mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới như đã được quy định trong Luật. Mục đích của Luật là bảo vệ các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông thông qua cơ chế bắt buộc bên có lỗi phải đền bù tài chính cho bên bị thiệt hại. Vì thế, mọi chủ xe ô tô có nghĩa vụ mua bảo hiểm CALI. Nếu vi phạm nghĩa vụ này có thể dẫn đến ngồi tù không quá 1 năm hoặc bị phạt không quá 500.000 Yên.

Một giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới có hiệu lực phải thể hiện đầy đủ thời gian đăng ký xe và thời gian đăng kiểm định kỳ. Thời hạn bảo hiểm phải bảo hiểm đầy đủ thời gian trước khi đến thời điểm đăng kiểm tiếp theo. Hệ thống này là phương án chắc chắn nhất để ngăn chặn những xe ô tô chưa được bảo hiểm tham gia giao thông trên đường phố và đảm bảo rằng tất cả các xe đã qua đăng kiểm đều đã mua bảo hiểm CALI.

Nghĩa vụ cung cấp bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm

Một công ty bảo hiểm tư nhân có thể từ chối hoặc chấp nhận bán bảo hiểm tùy theo quyết định của mình. Tuy nhiên, mục đích của Luật đảm bảo trách nhiệm chủ xe cơ giới là tất cả các xe ô tô đều được mua bảo hiểm bắt buộc TNDS. Vì thế, điều cần thiết ở đây không chỉ là bắt buộc các chủ xe ô tô mua bảo hiểm CALI mà còn cấm các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm CALI cho khách hàng. Vì lý do này, Luật cấm các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm CALI trừ khi có lý do xác đáng quy định trong Luật ví dụ như không thanh toán phí bảo hiểm hoặc vi phạm các quy định về tiết lộ thông tin.

Không có bên nào tham gia hợp đồng CALI được phép hủy hoặc chấm dứt hợp đồng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Hợp đồng chỉ có thể được hủy khi xe được bảo hiểm vi phạm các quy định trong Luật khi chủ hợp đồng vô tình hoặc cố ý vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc khi có một hợp đồng CALI khác cùng bảo hiểm cho ô tô đó.

Các doanh nghiệp bảo hiểm được phép bán bảo hiểm CALI là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đươc quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm.

Theo Luật quy định về CALI, người được bảo hiểm là “chủ sở hữu” và là “người lái” của phương tiện. Chủ sở hữu là người sở hữu xe ô tô hoặc người nào đó được quyền sử dụng chiếc ô tô đó và là người lái chiếc xe đó phục vụ lợi ích của mình. Như vậy, người điều khiển xe ô tô không có sự cho phép của người sở hữu thì không được coi là chủ của chiếc xe. “Người lái” là người trực tiếp lái xe hoặc trợ giúp trong việc lái xe vì lợi ích của người khác, nhưng không phải chủ sở hữu của chiếc xe ô tô

Trách nhiệm của công ty bảo hiểm

(1)   Phạm vi trách nhiệm của công ty bảo hiểm

Theo điều kiện đơn bảo hiểm của CALI, công ty bảo hiểm sẽ bảo hiểm toàn bộ cho các hoạt động của xe cơ giới trong phạm vi lãnh thổ Nhật bản, bao gồm cả tàu thuyền đậu ngoài lãnh thổ Nhật bản. Quốc tịch hoặc quốc gia của người được bảo hiểm của người được bảo hiểm hoặc nạn nhân không ảnh hưởng đến phạm vi bảo hiểm.

(2)   Giới hạn bảo hiểm

Theo điều kiện đơn bảo hiểm của CALI, giới hạn bảo hiểm được đưa ra bởi Pháp lệnh quy định cho các trường hợp tử vong, thương tật vĩnh viễn và các trường hợp thương tật khác.

Trong trường hợp tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn, bồi thường được giám định độc lập cho các tổn thất xảy ra trước cái chết hoặc tình trạng của thương tật vĩnh viễn và cho các tổn thất thực tế gây ra từ cái chết hoặc thương tật vĩnh viễn. Theo CALI, số tiền bồi thường phải tuân theo giới hạn bảo hiểm.

Giới hạn bảo hiểm được áp dụng cho mỗi nạn nhân không có giới hạn toàn bộ cho mỗi vụ việc. Bất kỳ trường hợp chi trả bồi thường nào đều không giảm giới hạn bảo hiểm cho đến ngày cuối cùng hiệu lực hợp đồng vì các giới hạn đều được tự động khôi phục. Vì CALI được thành lập đặc biệt trong Luật cho mục đích bảo vệ các nạn nhân trong các vụ tai nạn ô tô, giới hạn bảo hiểm có nhiệm vụ đảm bảo trách nhiệm tài chính tối thiểu của bên bị lỗi đối với nạn nhân.

Loại trừ bảo hiểm

Theo CALI, công ty bảo hiểm được miễn trách nhiệm bồi thường chỉ cho các thiệt hại gây ra bởi các hành động ác ý của chủ hợp đồng hoặc của người được bảo hiểm. Như nói ở bên dưới, nạn nhân được quyền khiếu nại trực tiếp với công ty bảo hiểm. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm, sau khi đã bồi thường cho nạn nhân, có thể đòi bồi thường từ chính phủ số tiền đã chi trả cho nạn nhân.

Khiếu nại bồi thường

Theo Luật, người được bảo hiểm được quyền đòi bồi thường công ty bảo hiểm  số tiền người đó đã thanh toán cho các thiệt hại của nạn nhân. Điều này nhằm ngăn chặn người được bảo hiểm gian lận và để nạn nhân không được bồi thường trong trường hợp người được bảo hiểm nhận tiền bồi thường từ phía công ty bảo hiểm trước khi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Mặt khác, nếu chủ xe có trách nhiệm đền bù thiệt hại theo như quy định trong luật, nạn nhân có quyền khiếu nại bồi thường với công ty bảo hiểm theo phạm vi giới hạn bảo hiểm được quy định trong luật. Khi công ty bảo hiểm chi trả cho nạn nhân số tiền bồi thường, điều này được xem như công ty bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm theo trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm. Nạn nhân cũng được quyền đòi công ty bảo hiểm chi trả một số tiền tạm ứng trước khi số tiền chính xác được xác định. Vì thường mất nhiều thời gian để xác định số tiền bồi thường chính xác, hệ thống tạm ứng bồi thường được thiết lập như một phương thức giảm nhẹ gánh nặng tài chính của nạn nhân. Số tiền tạm ứng của hệ thống này là 2.9tr Yên cho trường hợp tử vong, trong khi số tiền chi trả cho các trường hợp thương tật tùy theo tỉ lệ là 50.000 Yên, 200.000 Yên hoặc 400.000 Yên

Tỉ lệ phí

(1)   Vai trò của tổ chức tính phí bảo hiểm PNT Nhật bản (gọi tắt là GIROJ)

Phí bảo hiểm CALI được GIROJ tính toán, được gọi là Tỉ lệ phí tiêu chuẩn và được trình Bộ Tài chính phê duyệt trong vòng 90 ngày, biểu phí có thể thay đổi tùy thuộc vào quyết định của Bộ Tài chính. Thời gian phê duyêt bắt đầu tính từ ngày Bộ Tài chính nhận được hồ sơ. Luật chống độc quyền không áp dụng cho các hoạt động của CALI, ví dụ như việc tính Biểu phí chuẩn của GIROJ và việc sử dụng biểu phí đó của các hội viên

(2)   Phân loại rủi ro

Vì mục đích tính phí bảo hiểm CALI, ô tô được phân thành các loại, kích cỡ và mục đích sử dụng. Chế độ “thưởng” không được áp dụng trong biểu phí của CALI (theo chế độ này, người mua bảo hiểm sẽ được giảm phí nếu nhiều năm không để xảy ra tai nạn hoặc ngược lại, người mua bảo hiểm sẽ bị tính thêm phí nếu đã xảy ra tai nạn).

(3)   Quy định không lỗ, không lãi

Theo Luật, tỉ lệ phí bảo hiểm càng thấp càng tốt trong phạm vi cho phép của luật Kinh doanh bảo hiểm. Điều khoản này cấm các công tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm CALI vì bảo hiểm này hoạt động theo quy định “không lỗ, không lãi”.

Từ khi CALI hoạt động dựa trên quy định “không lỗ, không lãi”, thặng dư khai thác và lãi đầu tư được tích lũy làm quỹ dự phòng. Ngoài ra, số tiền đó có thể được dùng cho việc nâng cao cán cân khai thác và cho các mục đích cụ thể khác, ví dụ như phát triển các biện pháp phòng chống tai nạn giao thông, bảo vệ và trợ giúp cho các nạn nhân tai nạn giao thông hoặc những người thân của họ, nâng cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp. Thêm vào đó, nếu có lỗ hoặc lãi trong hoạt động của CALI, kết quả đó sẽ được điều chỉnh trong biểu phí của CALI vào lần sửa đổi biểu phí trong tương lai.

Quỹ tương hỗ

Hệ thống “quỹ tương hỗ” được thành lập bởi các hãng chuyên trở tham gia bảo hiểm CALI với mục đích ngăn chặn sự sụt giảm kết quả khai thác đối với các hãng chuyên trở vì hệ thống CALI có nghĩa vụ chấp nhận bảo hiểm cho bất kỳ rủi ro nào của các hãng chuyên trở. Theo quỹ này, tất cả phí bảo hiểm của CALI sau khi trừ đi chi phí hoạt động được đưa vào quỹ và tái phân phối cho các hãng chuyên trở.

Nguồn: theo Trần Phương Dung - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Viết bình luận